AgileOps Blog | Học hỏi từ các chuyên gia

Jira Product Discovery là gì? Ứng dụng “biến” mọi ý tưởng thành sản phẩm hoàn thiện

Written by Anna Le | Jul 18, 2023 6:55:22 AM

Jira Product Discovery nổi tiếng là cầu nối giữa chiến lược phát triển sản phẩm và hiện thực hoá các ý tưởng thành ứng dụng hữu ích, có thể đáp ứng đa dạng nhu cầu người dùng. Vì vậy, khi nhắc đến Jira Product Discovery, mọi người sẽ nghĩ ngay đến 4 từ khoá “kết nối ý tưởng - ưu tiên nhiệm vụ - tương tác “mượt mà” và linh hoạt kết nối”.

Ứng dụng này được coi là bước tiến mới của Atlassian giúp bạn thu thập, sắp xếp và ưu tiên các ý tưởng sản phẩm, đồng thời liên kết chặt chẽ với nhóm phát triển phần mềm. Nhờ vậy, những ý tưởng sản phẩm được đánh giá mức độ khả thi và hiện thực hoá trong thời gian phù hợp.

Bạn muốn biết Jira Product Discovery là gì và làm thế nào để sử dụng hiệu quả? Theo dõi bài viết dưới đây để cùng khám phá tân binh mới của hệ sinh thái Atlassian nhé.

Jira Product Discovery là gì?

Jira Product Discovery là công cụ giúp đội nhóm phát triển sản phẩm có thể triển khai ý tưởng của các tính năng mới, xác định mức độ ưu tiên cũng như nắm bắt và giải quyết kịp thời những vấn đề xảy ra trong quá trình lên kế hoạch phát triển sản phẩm.

Với Jira Product Discovery, bạn có thể tận dụng các bảng biểu được trực quan hoá rõ ràng và dễ dàng chỉnh sửa để các thành viên thống nhất quy trình làm việc, nắm rõ tiến độ dự án và tập trung vào những nhiệm vụ quan trọng giúp tăng mức độ thành công khi ra mắt sản phẩm.

Nguồn gốc ý tưởng của Jira Product Discovery

Ý tưởng xây dựng xuất phát từ việc các nhóm phát triển phầm mềm rất thành thạo việc viết code và triển khai sản phẩm, nhưng quá trình hiểu và xây dựng các chức năng vẫn chưa được “phối hợp ăn ý”. Đôi lúc, các thành viên sẽ hơi “mơ hồ” về việc những tính năng mới nào sẽ được thực hiện, tác động của chúng đến sản phẩm hiện tại và cách triển khai như thế nào.

Megan Cook, Quản lý nhóm phát triển sản phẩm của Atlassian chia sẻ rằng:

Quy trình các nhóm đưa ra quyết định về việc sẽ xây dựng những tính năng mới nào cho sản phẩm vẫn còn chưa rõ ràng và chưa xác định được thời gian cụ thể của từng hoạt động.

Từ những nghiên cứu này, Jira Product Discovery được Atlassian ra mắt vào năm 2021. Tương tự như Jira Work Management, công cụ này đã được ấp ủ trong chương trình Point A. Chương trình này là điểm kết nối giữa nhóm phát triển sản phẩm của Atlassian và khách hàng, giúp công ty có thể hiểu rõ nét những nhu cầu thực sự của doanh nghiệp và người dùng là gì.

Đội nhóm nào có thể tận dụng Jira Product Discovery

Nhóm phát triển sản phẩm

Tại Jira Product Discovery, các nhà phát triển sản phẩm có thể liệt kê tất tần tật những nghiên cứu hay ý tưởng mới. Không những vậy, bạn có thể sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các ý tưởng đó.

Sau đó, bạn dùng Jira Product Discovery để trao đổi với các phòng ban liên quan và xác định những ý tưởng nào có thể thực hiện trong thời gian gần nhất. Ngoài ra, ứng dụng này được tích hợp với Jira, giúp rút ngắn khoảng cách giữa nhóm phát triển phần mềm và các phòng ban khác của doanh nghiệp, bằng việc tích hợp và thể hiện các ý tưởng sản phẩm cũng như công việc thực tế của các lập trình viên tại Jira Software.

Nhóm quản lý dự án

Các nhà quản lý dự án có thể tổng hợp nhiều ý tưởng từ đa dạng nguồn khác nhau như góp ý, yêu cầu của người dùng hoặc xu hướng thị trường. Sau đó, quản lý dự án có thể phối hợp với nhóm phát triển sản phẩm để ưu tiên những tính năng nào sẽ được xây dựng đầu tiên, dựa vào các chỉ số như:

  • Mục tiêu (goal)

  • Mức độ tác động đến mục tiêu (goal impact)

  • Những nguồn thông tin của ý tưởng (insights)

  • Số điểm về mức độ ảnh hưởng của ý tưởng được đánh giá từ 1 đến 100 (impact score).

Ngoài ra, bạn có thể kết nối những ý tưởng sẽ được thực thi đến ứng dụng Jira Software để đẩy nhanh đến nhóm triển khai sản phẩm.

Nhóm lập trình viên

Dựa trên các gợi ý của nhóm phát triển sản phẩm và quản lý dự án, các lập trình viên có thể cung cấp thêm các góc nhìn và tư vấn kỹ thuật về những thuận lợi và khó khăn khi xây dựng các tính năng đó.

Khi các nhóm đã thống nhất triển khai ý tưởng nào thì kỹ sư phần mềm có thể trực tiếp tạo các epic và nhiệm vụ để mọi người có thể kiểm soát tình hình dự án. Bên cạnh đó, bạn còn có thể liên kết Jira Product Discovery với các ứng dụng khác như GitHub, Bitbucket, Jenkins hoặc chợ ứng dụng của Jira.

Nhóm thiết kế giao diện sản phẩm

Các nhà thiết kế giao diện sản phẩm đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao trải nghiệm sử dụng của người dùng. Từ khâu lên kế hoạch, các chuyên viên thiết kế có thể cung cấp các góc nhìn dựa trên chuyên môn thiết kế và tính thẩm mỹ. Khi thực thi, các thành viên có thể tạo những mô hình (mockups) hoặc bản mẫu đầu tiên trên Figma, InVision, hay Miro và liên kết chúng với Jira Product Discovery.

Hiểu rõ 6 thuật ngữ này để sử dụng Jira Product Discovery hiệu quả

All ideas - “Phát hoạ” ý tưởng sản phẩm

Đây là nơi bạn liệt kê mọi ý tưởng mới. Tại mỗi ý tưởng, bạn có thể đặt mục tiêu cho ý tưởng đó, ví dụ như tạo điểm khác biệt với sản phẩm của đối thủ hoặc đánh vào khách hàng lớn. Ngoài ra, bạn có thể gán người thực hiện và nắm sơ lược tình hình thực hiện ý tưởng.

Impact assessment - Đo lường mức độ ảnh hưởng

Tại đây, bạn sẽ đánh giá mức độ tác động của ý tưởng đến mục tiêu (goal impact), số điểm về mức độ ảnh hưởng của ý tưởng (impact score), đánh giá độ khó khi thực thi (effort), so sánh mức độ tương quan giữa mức độ ảnh hưởng và nỗ lực mà bạn cần bỏ ra để hoàn thành nó (impact vs. effort).

 
Đo lường mức độ ảnh hưởng
 

Impact versus effort - Sơ đồ trực quan mức độ ảnh hưởng và độ khó dễ của ý tưởng

Nhìn vào sơ đồ, bạn có thể hình dung được ý tưởng nào dễ thực hiện và mang đến tác động cao, ý tưởng nào khó thực hiện nhưng hiệu quả lại thấp, hoặc ý tưởng nào khó thực hiện nhưng vẫn mang đến hiệu quả cao.

 
Sơ đồ trực quan mức độ ảnh hưởng và tính khả thi của ý tưởng

 

Roadmap - Tiến trình thực hiện

Với 3 mốc cơ bản: thực hiện bây giờ (now), sẽ thực hiện (next) và cần thêm thời gian nghiên cứu (someday), tất cả các thành viên liên quan đến dự án có thể nắm được những công việc cần tập trung hoàn toàn vào thời điểm hiện tại và những công việc nào đang được lên kế hoạch cho tương lai.

 
Tiến trình thực hiện
 

Plan - Kế hoạch dự án

Mỗi tính năng khả thi sẽ được “gửi gắm” cho đội nhóm phù hợp. Vì vậy, khi truy cập vào mục kế hoạch, bạn sẽ biết được nhóm nào đang phụ trách những tính năng nào và thời hạn hoàn thành các ý tưởng đó.

Delivery - Bàn giao và triển khai sản phẩm

Nhờ bảng tiến độ sản phẩm được thể hiện một cách trực quan mà các nhà quản lý dự án có thể biết được tiến độ hoàn thành nhiệm vụ và so sánh với ngày đáo hạn. Các nhà quản lý dự án có thể quan sát bảng này để có những giải pháp kịp thời nếu tiến độ sản phẩm có thể không hoàn thành đúng hạn bàn giao.

3 tính năng nổi bật của Jira Product Discovery

Jira Product Discovery mang đến cho người dùng nhiều trường dữ liệu hữu ích. Ứng dụng này còn giúp nhóm phát triển sản phẩm, nhóm quản lý dự án và phòng ban liên quan có thể liệt kê các ý tưởng mới, nghiên cứu mức độ đáp ứng nhu cầu khách hàng, xác định và giải quyết vấn đề trong quá trình xây dựng ý tưởng một cách nhanh chóng.

Dưới đây là một số chức năng chính mà bạn có thể tận dụng:

1. Đánh giá nhu cầu của thị trường và người dùng

Tại mục insights, bạn có thể đính kèm các nguồn tài liệu uy tín về những xu hướng mới hoặc số liệu hữu ích để minh chứng cho ý tưởng của bạn. Hoặc bạn có thể liệt kê các nhận xét và góp ý của khách hàng vào trong ý tưởng của mình để các thành viên có thể hiểu rõ nguồn gốc xuất phát của ý tưởng.

 
Đính kèm thông tin thị trường và nhu cầu người dùng
 
 

Sau đó, để có thể kiểm chứng với nhu cầu thực tế, các nhà phát triển sản phẩm có thể kết nối với nhóm dịch vụ khách hàng để khảo sát liệu ý tưởng mới có đánh đúng vào những khó khăn mà khách hàng gặp phải. Nhóm dịch vụ khách hàng có thể dễ dàng phản hồi kết quả ngay trên Jira Product Discovery.

Bên cạnh đó, nhóm phát triển phần mềm sẽ đánh giá mức độ khó dễ khi thực thi ý tưởng này từ góc độ kỹ thuật. Nhờ tất cả dữ liệu này mà nhóm có căn cứ khách quan để xác định mức độ ưu tiên của các tính năng mới.

 
Đánh giá mức độ khó dễ khi thực thi ý tưởng
 

2. Trao đổi “mượt mà” với đội nhóm và các phòng ban liên quan

Tại roadmap, bạn hoàn toàn được quyền thiết kế bảng theo dõi tiến độ thực thi các ý tưởng mới với các trường dữ liệu liên quan. Ví dụ, quản lý dự án có thể thêm trường “tiến độ dự án” vào bảng roadmap và delivery để các thành viên có thể nắm bắt quá trình thực thi tính năng của sản phẩm.

Bạn có thể dễ dàng di chuyển các ô ý tưởng qua lại các mốc tiến độ now, next và someday. Nhờ vậy mà các thành viên trong dự án hoặc các phòng ban liên quan có thể dễ dàng hình dung được chiến lược phát triển sản phẩm của bạn.

 
Thiết kế bảng theo dõi tiến độ
 

3. Thống nhất thông tin nhờ liên kết với các ứng dụng của Jira

Trong mục delivery, bạn có thể nhấn vào chức năng “liên kết với nhiệm vụ của Jira” và chọn tên dự án. Từ đó, các lập trình viên có thể thấy được nhiệm vụ mới ngay trên Jira và có thể cập nhật tiến độ trên Jira. Thông tin sẽ được trực quan hoá giữa các ứng dụng nên nhóm có thể thao tác và quan sát tình hình dự án một cách linh hoạt.

 
Liên kết với các ứng dụng của Jira

Jira Product Discovery - Dẫn đầu sự khác biệt

Jira Product Discovery đơn giản hoá việc thống nhất các tính năng mới của sản phẩm, quy trình làm việc, xác định nhu cầu người dùng, sắp xếp mức độ ưu tiên các chức năng mới để cuối cùng có thể ra mắt sản phẩm giải quyết các vấn đề của khách hàng.

Dù bạn là nhà phát triển sản phẩm, quản lý dự án, chuyên viên thiết kế hay là kỹ sư phần mềm, Jira Product Discovery giúp bạn tập trung vào những nhiệm vụ quan trọng và được ưu tiên nhất.

Trải nghiệm Jira Product Discovery? Liên hệ AgileOps - đối tác giải pháp của Atlassian để được tư vấn kỹ thuật chi tiết về các sản phẩm của Atlassian nói chung và Jira Product Discovery nói riêng.