AgileOps Blog | Học hỏi từ các chuyên gia

Lịch sử Atlassian - hành trình phát triển của “gã khổng lồ” công nghệ quản lý dự án

Written by Kiet Ngo | Jul 11, 2023 7:39:29 AM

Atlassian là một câu chuyện thành công đáng ngưỡng mộ trong lĩnh vực công nghệ. Với hơn 20 năm kinh nghiệm, Atlassian đã tạo ra nhiều sản phẩm phần mềm đột phá và giải quyết các vấn đề thực tế cho doanh nghiệp. Đằng sau những thành tựu ấy là những chiến lược sáng tạo và đầy táo bạo của Atlassian, thậm chí có khi trái ngược với xu hướng thị trường.

Hãy cùng khám phá lịch sử Atlassian qua từng năm trong bài viết này. Bạn sẽ có cái nhìn toàn diện về quá trình hình thành và phát triển của các sản phẩm nổi tiếng như Confluence, Trello, Jira Service Management, …

Hành trình 20 năm của Atlassian với những chiến lược kinh doanh sáng tạo và tích hợp sản phẩm hiệu quả

Lịch sử phát hành sản phẩm, các thương vụ mua lại, và các mốc sự kiện quan trọng của Atlassian

 

2002 - Atlassian chính thức thành lập

Atlassian được phát triển bởi 2 nhà sáng lập là Mike Cannon-Brookes và Scott Farquhar. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Atlassian cung cấp dịch vụ hỗ trợ đội chăm sóc khách hàng cho các doanh nghiệp khác. Để làm tốt việc đó, Mike Cannon-Brookes và Scott Farquhar đã dành rất nhiều thời gian để trao đổi và thấu hiểu nhu cầu của khách hàng.

2003 - Ra mắt phần mềm Jira

Sau một thời gian, họ nhận ra để làm tốt công việc của kỹ sư phần mềm, họ cần một công cụ có thể quản lý công việc và giúp các thành viên phối hợp ăn ý với nhau hơn. Vì vậy, họ đã xây dựng công cụ kiểm soát lỗi có tên là Jira. Kể từ đó, họ chấm dứt dịch vụ hỗ trợ cho đội chăm sóc khách hàng và bắt đầu hành trình mang Jira đến với nhiều doanh nghiệp hơn.

Mike Cannon-Brookes và Scott Farquhar xác định khách hàng tiềm năng của Atlassian nằm tại khu vực Thái Bình Dương và Mỹ. Vậy nên, họ đã quảng bá Jira bằng cách tập trung vào trải nghiệm sử dụng dịch vụ của khách hàng.

Jira được thiết kế với giao diện đơn giản và các kỹ sư công nghệ có thể quản lý lỗi và kiểm soát các nhiệm vụ chỉ trên một nền tảng duy nhất. Jira còn giúp lưu giữ các lịch sử chỉnh sửa, hỗ trợ đính kèm tài liệu và tìm kiếm thông tin nhanh chóng. Trên thực tế, đây là 3 chức năng mà một lập trình viên cần nhất khi phát triển phần mềm và chỉnh sửa lỗi.

2004 - Confluence ra đời

Trong 2 năm đầu, Jira đã mang đến doanh thu khá ổn định cho Atlassian, nhưng Mike Cannon-Brookes và Scott Farquhar còn có những tầm nhìn phát triển xa hơn. Qua khảo sát thị trường, họ đánh giá nhu cầu xây dựng các trang thông tin Wiki là một mảng mà Atlassian có thể phát triển. Từ đó, Confluence ra đời.

Confluence giúp tạo khu vực làm việc, chỉnh sửa trang thông tin, đính kèm link, hình ảnh, video và quan trọng nhất là cấu trúc thông tin của các dự án một cách logic. Confluence còn được tích hợp với Jira và chính điều này đã giúp Confluence khá được ưu ái sử dụng bởi các lập trình viên.

2005 - Lựa chọn chiến lược kinh doanh thông minh

Chỉ sau 3 năm, Atlassian đã có lợi nhuận mà không cần gọi vốn đầu tư. Vậy đâu là lợi thế giúp Atlassian vẫn có thể tự lực phát triển tốt?

Câu trả lời đó chính là chiến lược kinh doanh khác biệt của Atlassian theo hướng product-led growth (tạm dịch: tăng trưởng dựa trên sản phẩm). Atlassian không tập trung vào đội ngũ kinh doanh mà đánh thẳng trực tiếp vào trải nghiệm người dùng. Vậy nên, họ đã tạo điều kiện cho người dùng sử dụng 30 ngày miễn phí. Sau 30 ngày, người dùng có thể cân nhắc mua các gói dịch vụ của họ hoặc không. Nhờ trải nghiệm này, khách hàng có thể hiểu được những lợi ích của các công cụ Atlassian và so sánh được mức độ cải thiện chất lượng công việc của họ sau 1 tháng.

2006 - Bắt đầu phát triển Atlassian Foundation

Tại Atlassian, doanh nghiệp hoạt động với tôn chỉ thành công sẽ đến từ nổ lực của tập thể. Vì vậy, Mike và Scott bắt đầu thiết lập Atlassian Foundation. Tại đây, họ trích xuất 1% doanh thu, vốn chủ sỡ hữu và thời gian của nhân viên cho các hoạt động ảnh hưởng tích cực đến xã hội.

2007 - Cenqua sáp nhập vào Atlassian

Thông thường các doanh nghiệp sẽ có xu hướng tập trung phát triển thêm các tính năng cho sản phẩm. Nhưng Atlassian đã không làm như vậy!

Họ quyết định tìm kiếm những sản phẩm có tiếng trên thị trường và phù hợp với nhu cầu của Atlassian. Và Cenqua là cái tên khá phù hợp với 3 công cụ chính là Fisheye, Crucible, và Clover. Từ đó, Atlassian tích hợp 3 công cụ này vào các sản phẩm của mình. Không những vậy, nhân viên và sản phẩm của Cenqua được chuyển hoàn toàn về Atlassian. Và Crucible trở thành sản phẩm nằm trong hệ sinh thái Atlassian.

2008 - Nguồn gốc hình thành của Atlassian Community

Đến năm 2006, một Jira Admin đã tổ chức buổi gặp mặt cho các thành viên sử dụng Atlassian tại Reston, Virginia. Atlassian cũng không ngần ngại hỗ trợ sự kiện này bằng cách gửi đến những phần quà hậu hĩnh như pizza, bia và áo t-shirts.

Cho đến nay, cộng đồng Atlassian đã phát triển với hơn 4,000 thành viên và thu hút đông đảo thành viên tham dự sự kiện Atlassian hàng năm.

2009 - Mua lại GreenHopper

Phục vụ hơn 700 khách hàng trên toàn thế giới, GreenHopper bổ sung thêm các tính năng quản lý dự án theo mô hình Agile vào Jira. Các chức năng nổi bật có thể kể đến như triển khai sản phẩm, quản lý nhiệm vụ và biểu đồ đo lường tiến độ hoàn thành dự án thực tế so với tiến độ dự kiến (burndown chart).

Để tăng điểm chạm với khách hàng, Atlassian đã tổ chức sự kiện Atlassian Summit (nay đã được đổi tên thành Atlassian Team) tại khách sạn San Francisco. Mike, Scott, và những thành viên khác đã lần lượt giải đáp những câu hỏi và góp ý của người dùng. Và sự kiện này trở thành những hoạt động lớn nhất của Atlassian giúp đẩy mạnh độ uy tín và tầm nhìn xây dựng các mối quan hệ khách hàng vững chắc của Atlassian.

2010 - Thành công gọi vốn 60 triệu USD từ Accel Partners và mua lại Bitbucket

Với số đầu tư lên đến 60 triệu USD, Atlassian tiến hành mục tiêu mua lại và sáp nhập các ứng dụng công nghệ khác. Những ứng dụng này sẽ giúp lấp đầy những chức năng mà Atlassian còn thiếu.

Các nhà sáng lập của Atlassian chia sẻ rằng, tại thời điểm năm 2010, họ đã phục vụ lên đến 20,000 khách hàng, bao gồm 2 ông lớn là Facebook và Adobe. Đứng trong thế giới công nghệ chuyển động rất nhanh, họ cần phải cung cấp thêm nhiều công cụ giúp doanh nghiệp tự động hoá và có thể giải quyết mọi bài toán bằng hệ sinh thái Atlassian.

Tiếp đến, Atlassian xem xét việc làm sao giúp các lập trình viên quản lý dự án theo từng giai đoạn của quá trình phát triển sản phẩm. Và điều này thúc đẩy họ mua lại Bitbucket - công cụ để quản lý các phiên bản mã nguồn và cung cấp kho lưu trữ mã nguồn cho các dự án.

2011 - Thiết lập Atlassian Cloud và mua lại Sourcetree

Atlassian Cloud được giới thiệu vào năm 2011. Đại diện từ phía Atlassian chia sẻ rằng, việc sử dụng Cloud sẽ giúp đảm bảo hiệu quả vận hành các ứng dụng khi quy mô của doanh nghiệp tăng lên. Ngoài ra, nhờ Cloud, Atlassian sẽ tích hợp những tính năng mới vào các ứng dụng của Jira nhanh hơn.

Cùng năm, Atlassian thực hiện thêm thương vụ mua lại Sourcetree. Sourcetree được biết đến là ứng dụng GUI giúp trực quan hóa các thao tác với Git.

Bên cạnh thực hiện các hoạt động mua lại, Atlassian cũng phát triển thêm các tính năng mới cho sản phẩm. Ví dụ như Confluence đã được thêm chức năng năng tích hợp lịch nhóm (team calendar) vào các trang.

2012 - Atlassian tiến hành mua lại Hipchat và ra mắt Atlassian Marketplace

Năm 2012 cũng là một năm Atlassian lại có bước chuyển mình rõ rệt khi thực hiện mua lại Hipchat và thông báo sẽ tích hợp ứng dụng này vào các ứng dụng của Atlassian.

Hipchat đã chứng minh mức độ hiệu quả của mình với số liệu tăng trưởng người dùng lên đến 1,200, bao gồm Groupon và HubSpot. Pete Curley, CEO và nhà sáng lập của Hipchat công nhận rằng Atlassian là môi trường tuyệt vời để tiếp tục nhân rộng các dịch vụ của Hipchat một cách nhanh chóng.

Ngoài ra, Atlassian Marketplace ra đời để người dùng có thể lựa chọn, sử dụng thử và mua các ứng dụng tại chợ ứng dụng Atlassian.

2013 - Atlassian cho ra mắt Jira Service Desk

Jira Service Desk bao gồm giao diện tập trung vào khách hàng, công cụ SLA, hàng chờ được tối ưu cho từng đội nhóm (customizable team queues) và báo cáo phân tích theo thời gian thực. Đến năm 2021, Jira Service Desk được tích hợp các chức năng nâng cao khác và đổi tên thành Jira Service Management.

2014 - Phát triển Atlassian Connect và ra mắt Data Center

Atlassian Connect là một bộ thư viện lập trình mới giúp các kỹ sư công nghệ xây dựng các add-ons để tích hợp với các sản phẩm của Atlassian. Đến năm 2014, Atlassian có hơn 33,000 khách hàng trên chợ ứng dụng và đã thực hiện hơn 1,500 giao dịch. Ngoài ra, sau 2 năm thành lập, chợ ứng dụng Atlassian đã giúp các đơn vị phát triển phần mềm thứ 3 kiếm hơn 20 triệu USD từ doanh thu bán các phần mềm add-ons.

Cùng năm, Data Center được ra mắt cho các sản phẩm như Jira và Confluence. Tương tự Server, Data Center cũng là một loại hình triển khai mà khách hàng tự vận hành và lưu trữ. Khác biệt chính giữa hai phiên bản là với Data Center, các ứng dụng được triển khai trên nhiều máy chủ ứng dụng chạy song song (cluster), so với Server chỉ hỗ trợ một máy chủ ứng dụng duy nhất.

2015 - Mua lại BlueJimp, kết hợp Jira và GreenHopper (Jira Agile) thành Jira Software, lần đầu phát hành cổ phiếu và đưa lên sàn chứng khoán 

BlueJimp là công ty nổi tiếng về công nghệ open-source chat và gọi video, có trụ sở tại Strasbourg, Pháp. Nhờ thương vụ mua lại này, các công nghệ của BlueJimp sẽ thay thế những chức năng gọi video của Hipchat.

Atlassian đã kết hợp Jira và Jira Agile thành Jira Software, công cụ giúp đội nhóm có thể thiết kế dự án theo mô hình Agile, quản lý nhiệm vụ và trực quan hoá các báo cáo. Nhờ Jira Software, dự án có thể hoàn thành nhanh chóng và “mượt mà” hơn.

Đặc biệt, vào tháng 12 năm 2015, Atlassian thu về 462 triệu USD trong đợt bán cổ phiếu lần đầu tiên. Sau khi tiến hành IPO, Atlassian chú trọng vào khâu nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Chính vì vậy, họ đã đầu tư hơn 40% lợi nhuận vào R&D và tham vọng giữ vững mức tăng trưởng qua từng năm là 30%.

2016 - Atlassian mua lại Statuspage

Atlassian đã có mối liên kết với Statuspage từ trước vì Statuspage cũng đã sử dụng Hipchat. Với Statuspage, doanh nghiệp có thể cập nhật tình hình người dùng sử dụng các dịch vụ điện tử của họ. “So sánh với các chức năng hiện có của Jira, Statuspage đích thực là một mảnh ghép rất phù hợp.” Atlassian’s president, Jay Simons chia sẻ.

2017 - Trello - Thương vụ mua lại lớn nhất của Atlassian từ trước đến nay

Với sự đồng nhất về sứ mệnh của công ty, giá trị và văn hoá, Trello đã được Atlassian mua lại. So sánh về các tính năng thì Trello khá giống với các công cụ quản lý dự án của Jira và bảng Kanban giúp trực quan hoá được nhiều nhiệm vụ hơn. Trello được xem như là một công cụ có thể thay thế cho Jira trong những dự án đơn giản.

2018 - Slack trở thành đối tác chiến lược của Atlassian và Atlassian mua lại OpsGenie

Để phục vụ tính năng trao đổi công việc cho các doanh nghiệp lớn, Atlassian đã quyết định tạo một sản phẩm mới là Stride. Nhưng Atlassian không tính đến việc Slack đã là một ông lớn trong mảng ứng dụng nhắn tin và trao đổi công việc. Vì vậy, mô hình của Stride đã thất bại và kết thúc vận hành vào năm 2018. Và năm 2018 trở thành năm mà Atlassian chính thức bắt tay với Slack để tích hợp công cụ này vào hệ sinh thái của Atlassian.

OpsGenie là nền tảng quản lý sự cố, được tích hợp với Jira Service Desk để vận hành các dịch vụ luôn luôn và giúp các nhóm Dev & Ops lên kế hoạch gián đoạn dịch vụ và duy trì quyền kiểm soát trong các sự cố.

2019 - Atlassian mua lại AgileCraft (sau này đổi tên thành Jira Align) và Code Barrel (Automation for Jira)

AgileCraft là công cụ giúp doanh nghiệp lên kế hoạch cho dự án và tối ưu hoá quy trình làm việc. Nhờ ứng dụng này, các nhà quản lý dự án có thể biết được những rủi ro và khó khăn mà các thành viên gặp phải trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Giá trị của thương vụ mua lại này lên đến $166 triệu.

Bên cạnh đó, công cụ khá nổi tiếng về tự động hoá cho Jira của Code Barrel cũng trở thành thành viên của hệ sinh thái Atlassian.

Ngoài những chiến lược kinh doanh khôn khéo, Atlassian cũng rất quan tâm đến các vấn đề về môi trường và phát triển bền vững. Khi tham dự UN Climate Action Summit, Mike cam kết xây dựng những sản phẩm không gây ra bất kỳ sự ô nhiễm nào (net-zero emissions) trước năm 2024 và sẽ cập nhật tình hình hằng năm tại báo cáo phát triển bền vững (Sustainability Report).

2020 - Atlassian mua lại Halp, Mindville, thông báo bỏ hoàn toàn Server để tập trung cho Cloud và Data Center

Halp là công cụ hỗ trợ đắc lực giúp Slack trở thành cổng thông tin nội bộ của tất cả các phòng ban. Khi bạn tích hợp Halp với Slack, bạn có thể sử dụng các biểu tượng cảm xúc để chuyển đổi tin nhắn thành một nhiệm vụ và có thể theo dõi tiến độ và kết quả của nhiệm vụ này.

Cái tên thứ 2 được mua lại trong năm 2020 chính là Mindville. Mindville là một trong những doanh nghiệp lớn tại Thuỵ Điển cung cấp dịch vụ quản lý tài sản và cấu hình. Những chức năng này là nền tảng đầu tiên của IT Service Management (ITSM), thị trường mà Atlassian đặt mục tiêu sẽ đặt chân đến trong chiến lược phát triển của mình.

Tin tức “hot” nhất năm 2020 chính là thông báo sẽ ngừng cung cấp các sản phẩm Server. Atlassian sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vận hành các ứng dụng trên Server cho đến tháng 2 năm 2024. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ có thêm thời gian để di chuyển những dữ liệu của họ từ Server lên Cloud hoặc Data Center.

2021 - Ra mắt Jira Work Management, Jira Service Desk trở thành Jira Service Management và mua lại Chartio & ThinkTilt

Atlassian đã tinh chỉnh và tối ưu các chức năng của Jira Core và đổi tên mới thành Jira Work Management. Ứng dụng này không chỉ hỗ trợ nhóm phát triển phần mềm mà còn giúp đa dạng phòng ban khác như Nhân sự, Marketing, Tài chính, … Nhờ Jira Work Management, mà các thành viên dù có làm việc bất cứ nơi đâu vẫn có thể cập nhật tình trạng dự án và trao đổi thông tin liên tục.

Bên cạnh đó, Jira Service Desk được tích hợp thêm nhiều tính năng hỗ trợ cho những tình huống hoặc vấn đề phức tạp hơn, vậy nên ứng dụng đã được đổi tên thành Jira Service Management để phù hợp với các chức năng mà công cụ này mang lại cho khách hàng.

Năm 2021 còn là năm Atlassian mua lại Chartio, đơn vị cung cấp các dịch vụ phân tích và trực quan hoá nền tảng đám mây. Nhờ những thế mạnh này, Chartio trở thành mảnh ghép quan trọng trong việc trực quan hoá dữ liệu của Atlassian.

Ngoài ra, Atlassian còn mua lại ThinkTilt, nhà sản xuất của ProForma và có trụ sở tại Brisbane, Úc. ProForma được đánh giá là sản phẩm rất quan trọng được Atlassian tích hợp riêng cho Jira Service Management. ProForma giúp bạn dễ dàng xây dựng đa dạng biểu mẫu tuỳ theo nhu cầu của từng đội nhóm, mà không cần viết code hoặc sử dụng các trường dữ liệu bổ sung.

2022 - Mua lại Percept.AI và đánh dấu 20 năm phát triển

Với thương vụ mua lại Percept.AI, Atlassian có thể tích hợp với Jira Service Management. Từ đó, các đội nhóm IT có thể trao đổi thông tin và cung cấp các dịch vụ tốt hơn cho nhân viên và khách hàng.

Đến năm 2022, Atlassian đã phát triển phục vụ hơn 200,000 khách hàng và có hơn 8,000 nhân viên. Qua 20 năm thành lập, các nhà lãnh đạo Atlassian đã tích luỹ khá dày dặn kinh nghiệm trong việc định giá sản phẩm, quảng bá sản phẩm trên thị trường, chăm sóc khách hàng hiệu quả và xây dựng những chiến lược phát triển mới cho Atlassian trong những năm tiếp theo.

Nhờ hiểu rõ quá trình phát triển phần mềm, Mike, Scott và các thành viên của Atlassian đã đa dạng hoá hệ sinh thái Atlassian với những sản phầm đột phá giúp đội nhóm hoạt động hiệu quả hơn. Qua các sản phẩm như Trello, Jira Work Management, Jira Software và Jira Service Management, luồng thông tin và dữ liệu giữa các đội nhóm được đồng bộ một cách rõ ràng, lỗi được kiểm soát tốt hơn, thời gian hoàn thành dự án được rút gọn, cải thiện trải nghiệm khách hàng và từ đó giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

Hệ sinh thái ứng dụng Atlassian

 

Chợ Ứng Dụng Atlassian là một điểm đặc biệt của Atlassian mà chúng ta không thể không nhắc đến. Để đáp ứng mọi nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp, bạn có thể mua các phần mềm add-ons và tích hợp vào các ứng dụng của Atlassian. Chính vì lẽ đó mà Atlassian rất được cộng đồng IT ưu ái sử dụng.

5 bài học vô giá để phát triển bền vững từ Atlassian

1. Chọn mô hình phát triển doanh nghiệp phù hợp

Có rất nhiều chiến lược phát triển doanh nghiệp khác nhau mà công ty có thể áp dụng. Một số doanh nghiệp có thể đánh mạnh vào xây dựng và đa dạng hoá tính năng của sản phẩm. Đối với Atlassian, họ chọn tập trung vào việc mua lại các phần mềm uy tín trên thị trường và tích hợp vào sản phẩm của họ.

Tất nhiên, không có chiến lược nào sẽ phù hợp với tất cả doanh nghiệp. Vì vậy, để lựa chọn phương hướng phù hợp, doanh nghiệp cần cân nhắc 2 yếu tố sau:

  • Tầm nhìn khi doanh nghiệp được bắt đầu xây dựng là gì?

  • Những cột mốc nào doanh nghiệp muốn đạt được trong 5, 10 và 20 năm tới?

2. Hiểu rõ doanh nghiệp đối tác và minh bạch thông tin

Ví dụ như khi mua lại AgileCraft, Atlassian đã dành hẳn 1 tuần để trao đổi với AgileCraft cách vận hành, những mảng công nghệ đang tập trung phát triển và tại sao lại tập trung vào những lĩnh vực này.

Hoặc khi thông báo mua lại Trello, Atlassian đã tổ chức cuộc gặp mặt với chủ đề Ask Me Anything (AMA) để các thành viên của Atlassian và Trello có thể hiểu rõ về 2 doanh nghiệp hơn.

3. Tập trung vào đối tượng khách hàng của doanh nghiệp

Như bạn đã biết, các sản phẩm của Atlassian đánh mạnh vào đội nhóm phát triển phần mềm. Để cung cấp những giải pháp vượt trội, Atlassian đã trao đổi với các lãnh đạo và nhân viên để hiểu được công việc họ đang thực hiện, cách họ giải quyết vấn đề, và họ có cần hỗ trợ điều gì để giải quyết công việc nhanh hơn không? Nhờ vậy, một khi khách hàng đã dùng Jira, họ sẽ có xu hướng hạn chế sử dụng thêm các sản phẩm khác trên thị trường. Thay vào đó họ sẽ ghé thăm chợ ứng dụng Atlassian và mua sản phẩm phù hợp.

4. Phát huy tối đa ưu điểm của chiến lược product-led growth

Ban đầu, Atlassian đã cung cấp dịch vụ dùng thử sản phẩm trong 30 ngày, trong khi đa số các công ty phần mềm trên thị trường sẽ phát triển đội nhóm kinh doanh để thúc đẩy các hoạt động quảng bá sản phẩm.

Bên cạnh đó, Atlassian đã đẩy mạnh tích hợp các sản phẩm mới vào Atlassian, khi các doanh nghiệp khác sẽ đi theo hướng phát triển từng sản phẩm riêng biệt.

5. Trao đổi với nhân viên những mối quan tâm cơ bản nhất

Trong hơn 20 năm qua, Atlassian đã thực hiện gần 20 thương vụ mua lại khác nhau. Điều này ít nhiều đã có tác động đến cấu trúc nhân sự và công việc của nhân viên trong tổ chức. Để có thể giữ chân và phát triển đội ngũ nhân tài, Atlassian hiểu rằng bất kỳ nhân viên nào cũng sẽ có 3 câu hỏi mà họ cân nhắc khi quyết định gia nhập hay ở lại một công ty:

  • Nhiệm vụ của họ tại vị trí này là gì?

  • Họ sẽ báo cáo trực tiếp đến ai?

  • Họ sẽ được nhận lương thưởng như thế nào?

Và các nhà lãnh đạo Atlassian luôn ưu tiên làm rõ với nhân viên những thông tin này để thực hiện tốt chiến lược thu hút và giữ chân nhân tài.

Sẵn sàng cho những cột mốc ấn tượng sắp tới

Atlassian đã chứng minh được sự khác biệt và đột phá của mình trong lĩnh vực công nghệ. Bằng cách áp dụng những chiến lược phát triển linh hoạt và thông minh, Atlassian đã thu hút được nhiều nhân tài và đối tác uy tín. Điều này đã giúp Atlassian không những tạo ra những sản phẩm phần mềm chất lượng mà còn tạo ra những giá trị độc đáo cho hệ sinh thái sản phẩm của mình trong hơn 20 năm qua.

đối tác của Atlassian tại Việt Nam, doanh nghiệp Việt có thể liên hệ AgileOps để trải nghiệm các dịch vụ và sản phẩm đột phá của Atlassian dễ dàng và hiệu quả nhất.