Bạn đã từng tự hỏi làm thế nào để doanh nghiệp triển khai quản lý dịch vụ công nghệ thông tin (ITSM) hiệu quả?
Để giải đáp được bài toán này, trên thế giới đã phát triển nhiều mô hình triển khai ITSM đúng cách như ITIL, COBIT hoặc ISO. Những mô hình này không chỉ nâng cao chất lượng dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) của doanh nghiệp, mà còn giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và hạn chế các vấn đề CNTT xảy ra.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá một trong những framework nổi tiếng nhất và được sử dụng rộng rãi: ITIL - Information Technology Infrastructure Library.
ITIL và ITIL 4 là gì?
ITIL là một tập hợp các hướng dẫn, quy trình và phương pháp giúp nâng cao chất lượng việc quản lý và cung cấp các dịch vụ CNTT, được phát triển và duy trì bởi Axelos.
ITIL 4 - phiên bản mới nhất của ITIL, là một framework cho việc quản lý dịch vụ trong thời đại kỹ thuật số. ITIL 4 vẫn hỗ trợ các hoạt động quản lý dịch vụ CNTT truyền thống như quản lý sự cố nhưng vẫn có thể đáp ứng với các xu hướng công nghệ mới như cloud, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo.
Chương trình chứng chỉ ITIL là gì?
Chương trình chứng chỉ ITIL là một chương trình chứng nhận quốc tế nhằm đào tạo, đánh giá kiến thức, kỹ năng và chứng nhận năng lực của các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý dịch vụ CNTT. Khi được cấp các chứng chỉ ITIL, các chuyên gia được chứng nhận về kiến thức triển khai các phương pháp, quy trình và công cụ cần thiết để cung cấp các dịch vụ IT chất lượng cao. Phiên bản đầu tiên của ITIL được ra mắt vào năm 1989 và được liên tục cập nhật nội dung để phù hợp với những hướng tiếp cận mới của ITSM.
Chinh phục các chứng chỉ ITIL không hề đơn giản, nhưng đây là một hành trình xứng đáng cho các chuyên gia CNTT và hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích như:
-
Cải thiện kỹ năng và kiến thức quản lý dịch vụ CNTT;
-
Cải thiện hiệu suất, quản lý vấn đề hiệu quả và cung cấp dịch vụ CNTT nhất quán và chất lượng cao;
-
Đạt được sự công nhận trong ngành;
-
Dễ dàng thích ứng với môi trường làm việc đa dạng vì ITIL khá linh hoạt và phù hợp với các quy mô tổ chức khác nhau;
-
Nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển cơ hội nghề nghiệp toàn cầu;
-
Mở rộng cơ hội thăng tiến;
-
Tăng thu nhập.
Khám phá các loại chứng chỉ của ITIL 4
Các chứng chỉ ITIL
1. Chứng nhận ITIL 4 Foundation
ITIL 4 Foundation là chứng nhận cơ bản nhất trong hệ thống chứng chỉ ITIL. Chứng nhận này cung cấp cho người học kiến thức nền tảng về ITIL, hiểu được cách thức quản lý dịch vụ CNTT một cách hiệu quả và toàn diện trong môi trường số hóa.
2. Chứng nhận ITIL 4 Practice Manager
ITIL 4 Practice Manager giúp chuyên gia sắp xếp và tối ưu nguồn lực của tổ chức, để hoàn thành những mục tiêu ITSM của doanh nghiệp. Practice Manager bao gồm các chứng chỉ sau:
-
ITIL® 4 Specialist: Monitor, Support and Fulfil
-
ITIL® 4 Practitioner: Incident Management
-
ITIL® 4 Practitioner: Service Desk
-
ITIL® 4 Practitioner: Problem Management
-
ITIL® 4 Practitioner: Service Request Management
-
ITIL® 4 Practitioner: Monitoring and Event Management
-
-
ITIL® 4 Specialist: Plan, Implement and Control
-
ITIL® 4 Practitioner: Change Enablement
-
ITIL® 4 Practitioner: Deployment Management
-
ITIL® 4 Practitioner: Release Management
-
ITIL® 4 Practitioner: Service Configuration Management
-
ITIL® 4 Practitioner: IT Asset Management
-
3. Chứng nhận ITIL 4 Managing Professional
ITIL 4 Managing Professional là tập hợp các chứng chỉ cấp cao của ITIL, được thiết kế cho các chuyên gia làm việc tại các nhóm công nghệ và kỹ thuật số của doanh nghiệp.
Các chứng chỉ này tập trung vào việc cung cấp kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn về cách thức quản lý, xây dựng quy trình vận hành của các hoạt động CNTT giữa các đội nhóm.
Để sở hữu chứng nhận Managing Professional, bạn cần hoàn thành 4 chứng chỉ cấp độ specialist như sau:
-
ITIL 4 Specialist: Create, Deliver and Support
-
ITIL 4 Specialist: Drive Stakeholder Value
-
ITIL 4 Specialist: High-velocity IT
-
ITIL 4 Strategist: Direct, Plan and Improve
4. Chứng nhận ITIL 4 Strategic Leader
ITIL 4 Strategic Leader không chỉ tập trung vào việc vận hành các dịch vụ CNTT, mà còn nhấn mạnh vào việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số và tự động hoá. Việc đạt được chứng nhận ITIL 4 Strategic Leader sẽ giúp bạn hiểu được bản chất các dịch vụ CNTT ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp cũng như các mục tiêu kinh doanh.
ITIL 4 Strategic Leader bao gồm 2 chứng chỉ:
-
ITIL 4 Strategist: Direct, Plan and Improve
-
ITIL 4 Leader: Digital and IT Strategy
5. Chứng nhận ITIL 4 Master
ITIL Master là chứng nhận cao cấp nhất của hệ thống chứng chỉ ITIL. Đạt được chứng nhận ITIL 4 Master, các chuyên gia sẽ được công nhận khả năng áp dụng các nguyên tắc, khái niệm, phương pháp và kỹ thuật của ITIL trong môi trường làm việc ở các cấp độ chiến lược, chiến thuật và vận hành một cách toàn diện nhất.
Nếu đạt được cả 3 chứng nhận Practice Manager, Managing Professional và Strategic Leader, bạn sẽ được chứng nhận hoàn thành chứng nhận ITIL Master.
6. Chứng nhận ITIL 4 Extension Modules
Chứng nhận Extension Modules được thiết lập để mở rộng các chứng chỉ chính của ITIL 4, cung cấp cho tổ chức, chuyên gia cách tận dụng những thách thức, cơ hội do các công nghệ mới nổi và các yếu tố có thể tác động đến hoạt động dịch vụ CNTT của tổ chức.
ITIL 4 Extension Modules bao gồm 4 chứng chỉ:
-
ITIL 4 Specialist: Sustainability in Digital and IT
-
ITIL 4 Specialist: Acquiring and Managing Cloud Services
-
ITIL 4 Specialist: Business Relationship Management
-
ITIL 4 Specialist: IT Asset Management
Liệu bạn đã biết đến các đơn vị liên quan để chinh phục các chứng chỉ ITIL?
Hành trình chinh phục chứng chỉ ITIL
Đơn vị phát triển, duy trì và liên tục cập nhật kiến thức ITIL
Axelos là một liên doanh giữa Chính phủ Anh và tập đoàn Capita. Axelos chịu trách nhiệm quản lý và phát triển khung kiến thức và chương trình chứng chỉ ITIL, PRINCE2 (phương pháp quản lý dự án), và những chương trình chứng chỉ liên quan khác.
Đơn vị này sẽ đảm bảo những khung kiến thức ITIL luôn còn phù hợp với các thực tiễn tốt nhất trong ngành cũng như thường xuyên xem xét và cập nhật nội dung mới nhất.
Đơn vị cung cấp các khoá đào tạo ITIL
Dion Training, GogoTraining, APEX Global, … là những tổ chức đã được công nhận chính thức để cung cấp khóa đào tạo kiến thức của ITIL. Các tổ chức này sẽ có trách nhiệm giúp học viên nhận được hướng dẫn chính xác và chất lượng theo tiêu chuẩn của ITIL.
Đơn vị khảo thí
PeopleCert là đơn vị thiết lập các bài kiểm tra, đánh giá và chấm điểm cho các kỳ thi của ITIL. Họ sẽ đảm bảo rằng các kỳ thi kết hợp đầy đủ và chính xác kiến thức, kỹ năng và khả năng mà chương trình ITIL yêu cầu.
Nền tảng quản lý và chia sẻ chứng chỉ
Nếu bạn thành công hoàn thành một trong các chứng chỉ của ITIL, PeopleCert sẽ cung cấp chứng chỉ cho bạn. Tuy nhiên, chứng chỉ này lại không thuận tiện trong việc quản lý, đính kèm vào các hồ sơ của các chuyên gia hoặc chia sẻ trên các nền tảng xã hội.
Chính vì vậy, Axelos đã liên kết với một bên thứ 3 như Credly, giúp bạn quản lý các chứng chỉ, lưu trữ huy hiệu, liên kết với các mạng xã hội như LinkedIn và Twitter, và cung cấp cho người xem cách xác minh huy hiệu của bạn.
Liên tục cập nhật kiến thức ITIL mới nhất
Việc hoàn thành các chứng chỉ ITIL không phải là điểm dừng cuối cùng của các chuyên gia CNTT mà còn là hành trình áp dụng vào thực tế và linh hoạt điều chỉnh theo tình hình của doanh nghiệp. Quan trọng hơn hết, việc liên tục học hỏi, cập nhật những nguyên tắc và quy trình mới nhất của ITIL là chìa khoá để bạn không chỉ thành công hoàn thành các chứng chỉ mà còn tận dụng triệt để những giá trị mà nó mang lại.
Theo dõi AgileOps Blog để cập nhật những chia sẻ mới nhất về ITSM, ITIL cũng như học hỏi từ các chuyên gia hàng đầu.